Đặc điểm và nguyên nhân gây bệnh

  • Bệnh viêm phổi địa phương, còn gọi là bệnh suyễn heo do vi khuẩnMycoplasma hyopneumoniae (MH) gây ra rất phổ biến và tồn tại lâu dài trong trang trại heo.
  • Bệnh thường xảy ra rất phổ biến ở heo 2 tuần sau cai sữa ngay khi hết kháng thể mẹ truyền, nhưng bệnh trở lên trầm trọng ở giai đoạn nuôi thịt, đặc biệt ở tuần tuổi từ12 – 14.
  • Bệnh gây thiệt hại kinh tế đang kể như giảm hiệu quả sử dụng thức ăn đến 14%, giảm tăng trọng đến 16% và tăng nguy cơ lây nhiễm các tác nhân gây bệnh hô hấp khác bội nhiễm gây bệnh hô hấp phức hợp.

Truyền lây và cơ chế gây bệnh

  • Bệnh do M. hyopneumoniae có thể truyền từ mẹ cho con, lây nhiễm qua tiếp xúc, qua không khí, dụng cụ, trang thiết bị vấy nhiễm, qua con người và động vật hoang dã.
  • Bụi và các khí độc chuồng nuôi gây kích ứng đường hô hấp, dẫn đến tăng mẫn cảm với M.
  • hyopneumoniae khi xâm nhập vào cơ thể, nó bám vào lông nhung đường hô hấp và phá huỷ lớp lông nhung đường hô hấp (tác dụng giữ bụi và ngăn cản mầm bệnh đi sâu vào đường hô hấp), làm suy yếu hệ thống phòng vệ màng nhày – lông nhung, mở đường và tạo cơ hội cho các mầm bệnh đường hô hấp khác bội nhiễm như: Pasterella multocida (Tụ huyết trùng), APP (viêm phổi dính sườn), Haemophillus parasuis (Glasser’s), Bordertella bronchiseptica (Viêm teo mũi truyền nhiễm), Streptococcus suis (Bệnh liên cầu), PRRS (Tai xanh) và PCV2 (Circo) xâm nhập và tấn công gây bệnh hô hấp phức hợp (PRDC), làm tăng tỷ lệ chết và loại thải heo.

H1: Lông nhung đường hô hấp bình thường

H2: Lông nhu bị phá huỷ do M. hyopneumoniae

Triệu chứng – Bệnh tích

Triệu chứng

  • Giai đoạn khởi đầu xuất hiện ho khan, khó thở kèm theo sốt hoặc không ở heo sau cai sữa 2 tuần, tiến triển dần và thường thấy trầm trọng ở heo từ 12 – 14 tuần. Tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhưng tỷ lệ chết thấp.
  • Triệu chứng ho có thể xuất hiện kéo dài vài tuần đến vài tháng, trong khi đó có một số con lại ít ho hoặc không ho. Và thường ho vào chiều tối và sáng sớm là những thời điểm nhiệt độ lạnh hơn bình thường.
  • Đối với những trại chăn nuôi nhiều bụi, vệ sinh và thông thoáng chuồng nuôi kém (tích tụ nhiều khí độc NH3, H2S…), bội nhiễm vi khuẩn kế phát… thường làm heo ho nặng hơn, nhất là ở heo thịt và vỗ béo.
  • Heo thở khó, thở thể bụng và có tư thế giống chó ngồi.
  • Bệnh suyễn thường làm heo kém ăn, tăng trưởng chậm, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn lớn, tăng tỷ lệ còi cọc và chết sau cai sữa và làm heo không đồng đều.

H3: Heo còi cọc, mắt có dử, khớp sưng

H4a: Heo thở khó, ngồi thở như chó ngồi

Ngoài M. hyopneumoniae còn có hai loài khác gây bệnh trên heo đó là M. hyosynoviae gây viêm màng dịch ở heo vỗ béo và M. hyorhinis gây viêm đa màng.

H4b. Heo viêm khớp do Mycoplasma

Bệnh tích

  • Phổi viêm đối xứng ở thuỳ đỉnh và thuỳ tim, có đường ranh giới rõ ràng giữa phần viêm và không viêm.
  • Thể cấp tính thấy viêm phổi cata, có những vùng gan hoá đối xứng, trong lòng phế quản có nhiều dịch.
  • Thể mãn tính: Phổi nhục hoá đặc, cứng, sậm màu như màu thịt. Sau khoảng 10 – 30 ngày vùng nhục hoá bị chuyển màu vàng hoặc xám rất cứng giống như tuỵ tạng.

H5: Giai đoạn đầu phổi viêm nhẹ đối xứng 2 bên, nhục hoá màu sẫm như thịt

H6: Phổi viêm nặng đối xứng 2 bên, nhục hoá gần như toàn bộ nền phổi

H7: Phổi viêm nhục hoá như màu thịt

  1. Những thiệt hại do bệnh suyễn heo.
  • Giảm năng suất chăn nuôi do giảm tăng trọng/ngày (ADG) từ 12 – 16%, tăng tiêu tốn thức ăn (FCR) từ 14 – 22%.
  • Tăng số ngày nuôi
  • Bệnh kéo dài, dễ nhiễm trùng kế phát và bệnh trở lên trầm trọng hơn.
  • Tăng chi phí điều trị

H8. Tương quan giữa viêm phổi và tăng trọng trên heo

Mức độ phổi viêm tỷ lệ nghịch với tăng trọng (Cataloge Bayer)

Kiểm soát bệnh suyễn heo do M. hyopneumoniae

Nguyên tắc kiểm soát bệnh suyễn heo

  • Mục đích của điều trị bệnh suyễn heo không phải là để loại trừ triệt để tác nhân gây bệnh mà ngăn chăn giảm tăng trọng.
  • Nếu xác định được heo bệnh thì tiến hành điều trị cá thể. Tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ mắc cao và chết thấp nên bên cạnh việc điều trị cá thể cần dùng thuốc trộn thức ăn để điều trị toàn đàn

Quản lý và kiểm soát môi trường chăn nuôi tốt

  • Mật độ nuôi tối ưu: 1,2 – 1,5 m2/con, < 20 con/ô chuồng, < 400 con/ chuồng.
  • Ổn định nhiệt độ chuồng nuôi.
  • Giảm thiểu bụi và mầm bệnh bằng cách bật giàn mát (mùa hè) và phun ẩm giàn mát (2 giờ/lần) bằng thuốc sát trùng.
  • Vệ sinh sát trùng chuồng trại sạch sẽ, tạo thông thoáng giảm thiểu khí độc chuồng nuôi. Đặc biệt chú ý việc bật quạt hút vào ban đêm vì lượng khí độc sản sinh ra nhiều và tích tụ ở tầng thấp nên heo dễ hít phải khí độc.
  • Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, đảm bảo chất lượng thức ăn và nước uống, không chứa độc tố nấm mốc.
  • Giảm tối đa việc di chuyển, xáo trộn đàn và các yếu tố stress khác.
  • Thực hiện phương thức cùng vào cùng ra (All in, All out) ở 1 chuồng, khu chuồng hoặc cả khu vực chăn nuôi (nếu có thể).
  • Dùng kháng sinh để điều trị và ngăn chặn bệnh sớm khi phát hiện nguy cơ nhiễm bệnh trong đàn.
  • Tầm soát sự lưu hành của mầm bệnh ở heo cai sữa để sớm có biện pháp kiểm soát triệt để.
  • Tiêm phòng vacxin suyễn để phòng bệnh cho heo con.

Dùng thuốc điều trị

  • Do Mycoplasma không có thành tế báo, nên các kháng sinh ức chế sự hình thành màng tế bào nên các kháng sinh thuộc nhóm beta – lactam bao gồm cả ceftiofur, amoxylin không diệt được mầm bệnh này.
  • Tiamulin và Florfenicol được khuyến cáo là những kháng sinh nhạy cảm nhất trong các thuốc trộn thức ăn. Liều lượng theo khuyến cáo, Liệu trình từ 5 – 7 ngày.
    • Tiamulin 10% trộn với liều 200ppm/tấn thức ăn (2kg/tấn thức ăn). Heo bỏ ăn, ăn uống kém sử dụng Tiamulin 10% tiêm bắp thịt.
    • Florfenicol sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Đối với những heo bị suyễn nặng ngoài sử dụng kháng sinh còn chú ý bổ sung thuốc hạ sốt, giảm ho long đờm và các thuốc bổ trợ để tăng hiệu quả điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *